Trang chủ   CHIA SẺ KIẾN THỨC  Bài thuyết minh về tháp bà PONAGAR - Nha Trang

Bài thuyết minh về tháp bà PONAGAR - Nha Trang

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT BÀI THUYẾT MINH THÁP BÀ PONAGAR - NHA TRANG (hấp dẫn và dễ nhớ)

Về cơ bản thì thân bài sẽ gồm những ý sau nha:

1. Vị trí địa lí và lịch sử của tháp bà Ponagar:

+) Vị trí địa lí: Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc.

+ Lịch sử: được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 13, thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ.

- Tên gọi của tháp được đặt theo tên của vị vương Po Ina Nagar (người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo.Mẹ tạo dựng nên sự sống và dạy dỗ con dân lao động, mưu sinh trong cuộc sống. Mẹ là vị thần rất linh thiêng: che chở, bảo vệ, độ trì, ban phúc lành và ước nguyện cho muôn dân…được nhân dân tôn kính. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay.

- Ngôi tháp đầu tiên được xây bằng gỗ đểthờ nữ vương Jagadharma, đến thời Prithi được xây lại bằng vật liệu cứng vàđể thờ tượng nữ thần Bhagavati. Sau đó quân Nam Đảo của Indonesia kéo đến phá hủy, về sau ngôi tháp được xây lại bằng gạch.
 

thuyet minh thap ba ponagar


2. Thuyết minh về kiến trúc của tháp:
 

Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên.
 

- Tầng thấp: Ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.

- Tầng giữa: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 mét. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng.
 

- Tầng trên cùng: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề được sử dụng. Bậc thang bằng đá ong thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 1960 do nhu cầu du lịch gia tăng. Ở tầng trên, có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà thôi. Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn 1, chúng chạy song song với nhau. Cả 4 tháp còn lại Tháp Chính, Tháp Giữa, Tháp Đông Nam, Tháp Tây Bắc) được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn.

Tháp Chính thờ nữ thần Ponagar, cũng là tháp lớn nhất, tập trung đông người hành lễ vào dịp lễ hội của người Chăm. Tháp Giữa thờ Cri Cambhu- một hóa thân của thần Shiva, trong tháp có tượng thờ Nam thần. Tháp Đông Nam thờ thần Skanda là con trai của thần Shiva (biểu tượng của chiến tranh). Tháp Tây Bắc thờ Ganesha, con của thần Shiva (biểu tượng của trí tuệ, may mắn)
 

thuyet minh thap ba ponagar
 


3. Vị trí, giá trị của ngôi tháp trong đời sống:

- Quần thể di tích Tháp bà được các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là còn giữ được nhiều công trình kiến trúc độc đáo và tương đối hoàn chỉnh. Nó không chỉ là dấu ấn lịch sử về kiến trúc cổ của người Chăm-pa, mà còn lưu giữ đến ngày nay những phong tục độc đáo, lôi cuốn như:lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịchhàng năm, đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia, di sản độc đáo múa bóng, tục xin xăm Bà...

- Tháp bà góp phần khơi nguồn cảm hứng cho đời sống tinh thần, đi vào trong các tác phẩm thơ ca với một vẻ đep huyền bí, cuốn hút:

"Ai buông Trầm! Mây trắng vấn vương

Mềm nét lượn ÁP SA RA huyền thoại

Tháp Bà thả hồn Cù Lao, sông Cái

Lửa bập bùng hoang lắng trống Ghi- Năng"
 

- Năm 1979, Tháp bà được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia- Điều này chứng tỏ tầm quan trọng và giá trị nhân văn đặc sắc của kiến trúc xây dựng cũng như vốn quý văn hóa của dân tộc Chămpa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

- Trải qua hơn 10 thế kỷ, trước sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, chiến tranh, quần thể di tích vẫn trường tồn. Tháp bà Ponagar vẫn tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.